Hỗ trợ 24/7
0936357869

Công ty tnhh chỉ may Nhật Khang

“Bài toán” nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may

Ngày đăng: 25-05-2020 02:04:24

Chiến lược nguồn nguyên, phụ liệu ngành dệt may

Dự kiến cả năm 2021, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 38 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ cho làm hàng xuất khẩu tới 19,6 tỷ USD. Năm 2020, các con số này tương ứng đạt đạt 35,29 tỷ USD và 18,1 tỷ USD.

10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam ở mức 32,3 tỷ USD và con số nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho làm hàng xuất khẩu lên đến 16,8 tỷ USD.

“Bài toán” nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may - Ảnh 1.

Dự kiến cả năm 2021, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 38 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Có thể thấy, sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về nguồn nguyên liệu vẫn đang duy trì ở mức cao. Đợt dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ rõ nhất hạn chế này. Không ít doanh nghiệp dệt may như "ngồi trên đống lửa" vì các đối tác cung cấp nguyên, phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20 - 30% năng lực sản xuất toàn ngành.

Dệt may tìm cách giải bài toán phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập khẩu

Để giải quyết thực trạng này, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương xây dựng, đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho dệt may vẫn là bài toán khó.

Tập đoàn Pro Sport tìm "đỏ mắt" vẫn không thể mua được vải chống nước hay vải cản gió dùng để may quần áo thể thao ở thị trường trong nước. Với những loại vải trong nước sản xuất được, giá thành cũng cao hơn hàng nhập khẩu từ 15 - 20%. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải nhập khoảng 75% nguyên liệu từ nước ngoài.

"Liên quan tới quần áo đánh golf, chúng tôi cần loại vải thở, giúp mồ hôi thoát ra dễ dàng, hoặc vải trượt tuyết chống thấm nước, ta cũng chưa làm được", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Pro Sport, cho biết.

Để sản xuất được vải cần có ngành dệt nhuộm, nhưng đây là ngành đòi hỏi công nghệ và vốn lớn. Chưa kể, doanh nghiệp dệt nhuộm cũng vấp phải rào cản từ các địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Được biết, để đầu tư một dây chuyền sản xuất bông tấm, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 2 triệu USD. Chính vì chi phí đầu tư lớn, nên đây cũng là một trong những khó khăn để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã xây dựng nhà máy, nhưng ban đầu họ cũng phải nhập khẩu nguyên liệu xơ sợi từ Hàn Quốc, Thái Lan; đến khi chuyển sang sử dụng xơ sợi tái chế mới chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 80%, 20% còn lại vẫn phải nhập khẩu.

"Phát triển được phụ trợ trong nước có nhiều lợi ích như chi phí vận chuyển giảm, việc lệ thuộc vào ngoại tệ giảm nhiều, vì mình đang sử dụng từ xơ sợi sản xuất trong nước", ông Lã Anh Chiến, Giám đốc chi nhánh nhà máy Bông TNG, cho hay.

Các hiệp định thương mại FTA yêu cầu hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Vì vậy, việc sớm phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho dệt may Việt Nam.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nền tảng cho ngành công nghiệp dệt may tăng trưởng bền vững là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên sau hơn 20 năm với nhiều "quyết tâm", ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được nhiều người ví von vẫn như "đứa trẻ không chịu lớn". Đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng.

Doanh nghiệp Việt mong muốn vươn lên trong chuỗi giá trị

Trong các ngành xuất khẩu, giá trị nội địa của ngành dệt may là lớn nhất, đạt tỷ lệ 51 - 52%. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng bài toán với ngành dệt may là mua nguyên liệu ở đâu để ra được giá thành cạnh tranh nhất và giữ được đơn hàng mới là quan trọng chứ không phải đầu tư dài trải tốn kém để có trong tay tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào. Bởi trong chuỗi giá trị toàn cầu, khâu mang lại giá trị cao nhất là thiết kế mẫu và thương mại. Do đó, điều ngành dệt may đang chờ đợi là một chiến lược phát triển đúng đắn để các doanh nghiệp có thể tiến lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số ít doanh nghiệp may mặc đã chủ động được nguyên liệu bông, dây chuyền đóng gói và in tên sản phẩm nhờ tự đầu tư xây dựng nhà máy. Chủ động giúp doanh nghiệp có uy tín hơn với đối tác quốc tế, tuy nhiên việc đầu tư khá tốn kém, doanh nghiệp chia sẻ dệt may Việt Nam có thể chọn con đường khác.

“Bài toán” nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may - Ảnh 2.

Sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về nguồn nguyên liệu của ngành dệt may vẫn đang duy trì ở mức cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Các doanh nghiệp của mình ứng dụng thông tin rất tốt, các phần mềm quản lý để năng suất tăng lên. Mình cứ phát huy thế mạnh của mình, rồi mình mua nguyên liệu về kết hợp để làm ra sản phẩm", ông Nguyễn Đức Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ.

Cùng quan điểm, Tập đoàn Pro Sport lấy ví dụ, riêng nguyên liệu vải đã có cả nghìn loại khác nhau, khó có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ cho tất cả. Thay vào đó, chiến lược dệt may có thể lựa chọn một vài ngành hàng mũi nhọn để đầu tư phát triển sâu.

"Ví dụ chúng ta tập trung vào dòng hàng cotton, chúng ta có thể làm từ Việt Nam. Các nhà cung ứng vải cotton hãy về Việt Nam đầu tư. Chúng tôi mong muốn sản phẩm từ Việt Nam đi với những dòng hàng cotton không phải nhập khẩu", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Pro Sport, cho hay.

Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành nên các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cho ngành dệt may.

Bài viết liên quan

Đối tác thân thiết

Liên hệ với chúng tôi

Copyright © 2021 Website mẫu -
 Thiết kế Web: PhuongNamVina